Thứ Sáu, 8 tháng 6, 2012

Biển Quất Lâm

Chuyện xa xưa kể rằng: có một người dân chài gặp nạn ngoài biển khơi, thuyền bị lật chìm, anh ta may mắn bám được vào một tấm ván,̣ trôi dạt lênh đênh trên đại dương và hoàn toàn mất phương hướng. 

Trời nắng như đổ lửa, cơn khát thiêu đốt cơ thể...trong ảo ảnh anh tưởng tượng ra cảnh mình lạc vào một rừng quất, nước bọt trong miệng ứa ra giúp anh vượt qua cơn khát và thiếp đi... Khi tỉnh dậy anh thấy mình dạt vào một bãi biển rất đẹp, nơi đó có rừng phi lao xanh ngút ngàn tầm mắt như rừng quất anh đã gặp trong mơ và cái tên Quất Lâm (rừng quất) cũng ra đời từ đó...

Trước đây vùng đất này còn là những cồn cát hoang vu. Dưới triều Lê Cảnh Hưng (1750- 1870), triều đình xuống chiếu cho dân khai khẩn vùng đất này để mở rộng bờ cõi ra phía biển Đông.

Những người có thế lực lúc đó chiêu mộ dân các nơi từ Hải Dương, Thanh  Hoá, Sơn Tây và nhiều nơi khác nữa lần lượt đến quai đê, lấn biển khai khẩn đất hoang, lập nên các làng xã đầu tiên trong đó có Quất Lâm. Cư dân nơi đây sống chủ yếu bằng nghề đánh bắt hải sản và làm muối.

Có thuở người dân trong tỉnh chỉ biết đến địa danh Quất Lâm thông qua một số loại nông sản trong đó ấn tượng nhất là "dưa hấu Quất Lâm". Dưa hấu Quất Lâm trồng trên những thửa ruộng đất cát pha ngoài bãi ven biển ruột đỏ, mọng nước và ngọt lịm.

Khi dưa hấu nam bộ chưa có điều kiện tiếp cận thị trường phía bắc thì "dưa hấu Quất Lâm" đã trở thành thương hiệu. Để ra được bãi biển Quất Lâm nơi có những ruộng trồng dưa, trồng lạc phải vượt qua con đê biển và những lối mòn, những đầm nước. Chỉ có những người nông dân, ngư dân mới thường xuyên qua lại để làm ruộng, đi biển.

Bãi biển Quất Lâm rất hoang sơ với những bờ cát thoải mịn, ôm lấy những cánh rừng phi lao xanh mát, vi vút gió biển giống như một người con gái đẹp ngủ quên trong rừng ít người biết tới. Thời Pháp thuộc, người Pháp cũng đã tìm đến nơi này để nghỉ ngơi. Những năm 1975- 1985, các chuyên gia thăm dò dầu khí Liên Xô thường đến đây để tắm biển.

Diện mạo của bãi biển Quất Lâm chỉ được đổi thay từ năm 1997. Sau chuyến công tác của đoàn cán bộ lãnh đạo tỉnh và huyện Giao Thủy, một ý tưởng khai thác bãi biển Quất Lâm để xây dựng một khu du lịch biển, phát triển các loại hình dịch vụ du lịch thay thế cho sản xuất nông nghiệp đã hình thành và nhanh chóng được quyết định. Từ đó tỉnh Nam Định có 2 bãi biển là Quất Lâm và Hải Thịnh.

Quy hoạch khu du lịch biển Quất Lâm được triển khai, những ruộng trồng dưa, trồng lạc, trồng đậu nơi đây đã nhường chỗ cho các khách sạn, nhà nghỉ, nhà hàng mọc lên san sát dưới tán rừng phi lao xanh mướt, hình thành một khu đô thị sầm uất bên chân sóng.

Khu trung tâm của Quất Lâm hình thành tự nhiên hai hồ lớn, mỗi hồ khoảng 10ha, dọc theo bãi tắm, năm 2003 đã xây dựng đường bê tông, đặc biệt bãi biển Quất Lâm là bãi biển hoang sơ và đẹp, môi trường trong sạch. Nhiều khách sạn đạt tiêu chuẩn hai sao, ba sao đã và đang được đầu tư xây dựng.

Hệ thống giao thông đến với bãi biển Quất Lâm được nâng cấp nhanh chóng. Tỉnh lộ 486 B nối quốc lộ 21 với thị trấn Quất Lâm được mở rộng, trải nhựa phẳng lỳ.

Từ thành phố Nam Định chỉ mất không quá 40 phút chạy xe, du khách đã có mặt tại bãi biển Quất Lâm. Hàng ngày có nhiều tuyến xe buýt chở khách từ bến xe Mỹ Đình, Giáp Bát, Gia Lâm (Hà Nội) và nhiều tỉnh thành phía bắc chạy thẳng về bãi biển Quất Lâm. Cứ 30 phút lại có một chuyến xe buýt đi về từ thành phố Nam Định đưa đón khách tới khu du lịch Quất Lâm.

Khu du lịch nghỉ mát - tắm biển Quất Lâm có quy hoạch rộng 151,4 ha qua hơn 10 năm xây dựng và phát triển, khu du lịch đã có bước phát triển nhanh chóng. Kết cấu  hạ tầng khang trang, đường 51B vào khu du lịch được mở rộng, nâng cấp  hiện đại, hơn 2 km kè biển kiên cố, 3 trục đường nganh trong khu du lịch được rải nhựa với chiều dài hơn 4km, 110 ki ốt phục vụ dịch vụ tắm biển, 41 nhà nghỉ, khách sạn với 804 phòng nghỉ tiện nghi, đáp ứng tốt nhu cầu lưu trú của khách du lịch.

Các loại hình dịch vụ phục vụ khách rất đa dạng và chất lượng không ngừng được nâng cao như: tắm biển, xông hơi, nghỉ ngơi, ăn uống, thể thao, vui chơi giải trí...

Nhiều khách sạn có hội trường lớn phục vụ tổ chức các hội nghị, hội thảo với sức chứa hàng trăm đại biểu, có khách sạn đã được xếp hạng 2 sao luôn sẵn sàng đáp ứng mọi yêu cầu của quý khách; giao thông rất thuận tiện với các phương tiện giao thông công cộng như xe bus, xe taxi... công tác an ninh trật, vệ sinh an toàn thực phẩm được đảm bảo tốt. Nhiều dự án đầu tư xây dựng các khách sạn cao cấp, khu resort, biệt thự nghỉ dưỡng đang được gấp rút thi công để phục vụ khách du lịch.

Quất Lâm đang nhộn nhịp xây dựng mở rộng để hình thành khu đô thị sầm uất bên chân sóng, từ một xã heo hút, dân cư chủ yếu sống bằng nghề làm muối và đánh bắt hải sản, Giao Lâm xưa đã trở thành thị trấn Quất Lâm- một đô thị ven biển khang trang, hiện đại, là một trong 2 trung tâm kinh tế- văn hoá của huyện Giao Thuỷ đã và đang là điểm đến hấp dẫn trên bản đồ du lịch của cả nước và tỉnh Nam Định. Tổng lượng khách du lịch về Quất Lâm trung bình đạt trên 200.000 lượt người, trong đó có nhiều khách du lịch quốc tế.

Đến với Khu du lịch nghỉ mát- tắm biển Quất Lâm, quý khách sẽ thực sự hài lòng với những món đặc sản biển mà thiên nhiên ban tặng cho vùng biển nơi đây với giá cả rẻ hơn rất nhiều so với các khu du lịch biển khác trong cả nước như tôm, cua, cá mực, ngao ... được  chế biến thành nhiều món ăn mang hương vị đậm đà, độc đáo. Thêm vào đó quý khách sẽ có dịp thưởng thức nhiều đặc sản địa phương như nem nắm Giao Thủy, nước mắm Sa Châu, rượu Bỉnh Ri...

Điều đáng quan tâm nữa là phong cách phục vụ của các nhà hàng, khách sạn rất lịch sự, chu đáo. Người quê dân nơi đây chất phác, thật thà, hồn hậu và mến khách.

Đến Quất Lâm quý khách sẽ chiêm ngưỡng ngôi nhà thờ Thiên Chúa giáo do người Pháp xây dựng mang phong cách kiến trúc độc đáo hài hòa giữa nét mềm mại, duyên dáng của Á Đông và sự hiện đại của Tây Âu; thăm ngôi chùa cổ đã được xếp hạng di tích lịch sử văn hóa nằm ngay trong khu vực trung tâm của thị trấn.

Du khách yêu thích loại hình du lịch sinh thái sẽ được tham quan Vườn Quốc gia Xuân Thủy - hệ sinh thái đất ngập nước đầu tiên của Việt Nam tham gia Công ước Ramsar, có tầm quan trọng quốc tế đặc biệt. Đây là một vùng bãi bồi rộng lớn nằm ở cửa sông Hồng với diện tích 7.100ha, trong đó có hơn 3.000ha rừng ngập mặn là "sân ga của các loài chim di trú quốc tế" với 220 loài chim thuộc 41 hộ, 13 bộ.

Hàng năm từ tháng 10, 11 đến tháng 3, 4 của năm sau, hàng chục ngàn cá thể chim di cư tránh rét từ Phương Bắc đã chọn Vườn Quốc gia Xuân Thủy làm nơi dừng chân kiếm ăn, tích lũy năng lượng cho hành trình di trú dài cả ngàn cây số của mình.

Nơi đây thường xuyên ghi nhận các loài chim nước quý hiếm nằm trong sách đỏ quốc tế, điển hình là Choắt lớn mỏ vàng, Rẽ mỏ thìa, Te vàng, Bồ nông chân xám, Mòng biển mỏ ngắn, Cò quắm đầu đen, Cò Thìa, Cò lạo Ấn Độ, Cò trắng Trung Quốc...

Vậy nhưng biển Quất Lâm được giới "ham của lạ" xếp vị trí số 2 trên đất Bắc về độ nóng của dịch vụ "gái gú". Cũng có thể cái tên địa danh này gây sự tò mò lẫn thích thú dành nhiều nhiều vị khách.

Người ta nói rằng, cứ khi nào biển Đồ Sơn bị kiểm tra gắt gao thì số đông các cô gái đủ mọi thành phần lại chạy về đây hoạt động. Hơn thế, do ở vị trí nhà quê nên giá cả ở đây rất mềm và có nhiều "món ngon, của lạ". Có thời điểm du khách đến đây đa phần là đàn ông, thế nên bất kỳ người phụ nữ nào (trừ các bà trung niên) vô tình xuống đây tắm biển đều bị đám đàn ông đánh đồng với... đội ngũ tiếp viên.

Để biển Quất Lâm thật sự "đẹp", có lẽ địa phương cần thay đổi thêm nữa...

Du lịch, GO! - Tổng hợp từ Giaothuy, DulichNamdinh, Vietnamnet... và nhiều nguồn khác

Lưu ý: Từ Hà Nội, quý khách có thể đến Quất Lâm bằng xe khách từ bến xe Mỹ Đình hay Giáp Bát về thẳng Quất Lâm hoặc đi tàu hoả đến ga Nam Định, từ bến xe Nam Định đi xe bus chuyến 01 về Quất Lâm (30 phút/lượt).

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét