Chủ Nhật, 24 tháng 6, 2012

Nữ diễn viên kịch nói và vụ tạt axít kinh hoàng


Từng là diễn viên kịch nói, số phận đưa đẩy chị phải từ bỏ đam mê nghệ thuật vì cơm áo gạo tiền. Bất hạnh đổ xuống đầu chị khi người chồng thứ hai trong cơn cuồng ghen đã thuê người tạt axít hủy hoại dung nhan vợ…

Gương mặt xinh đẹp của chị Tiến trước khi bị tạt a xít. Ảnh: ANTG.
Chị Tiến trước khi bị tạt a xít. Ảnh:ANTG.
Năm 1997, tại Hà Nội từng xôn xao vụ án bà chủ cửa hàng rèm Công Anh (phố Cầu Giấy) bị người chồng cũ do ghen tuông đã thuê người tạt axít hủy hoại khuôn mặt. Nhiều người bảo, sau tai nạn, người đàn bà ấy luôn trùm khăn kín mít chỉ để hở ra đôi mắt và không bao giờ tiếp xúc với người lạ. Có người lại bảo bà chủ cửa hàng đã bỏ đi biệt tích để không ai nhìn thấy gương mặt xấu xí của mình.

15 năm sau, gặp lại bà chủ bị tạt axít ngày nào, chị Lê Thị Kim Tiến (49 tuổi), trên gương mặt vẫn còn nhiều vết sẹo, song nụ cười đã trở lại. Bước ra từ bóng tối, người phụ nữ đầy nghị lực ấy nay đã trở thành bà chủ của hệ thống cửa hàng kinh doanh mành rèm trang trí lớn nhất khu vực Cầu Giấy. Không chỉ làm giàu cho mình, chị còn giúp đỡ anh em, con cháu trong nhà phát triển nghề kinh doanh rèm gần khắp Hà Nội.

Chị Tiến quê gốc ở Ninh Giang (Hải Dương), gia đình chị có truyền thống nghệ thuật. Bố chị chuyên dạy hát chèo trong huyện, kiêm chủ một hiệu ảnh. Nhà có tới 10 anh chị em, chị là thứ 5. Một nửa anh chị em trong nhà theo nghệ thuật với các bộ môn ca múa nhạc, kịch.

Học xong phổ thông, chị thi tuyển vào Đoàn kịch nói Hải Dương và trúng tuyển. Chừng một năm sau chị kết hôn, khi mới 19 tuổi. Chồng chị cũng là diễn viên kịch nói cùng đoàn và là Trưởng ban chuyên môn, thầy dạy của chị. Chị bảo hồi còn trẻ nghĩ đã yêu ai thì phải yêu bằng được nên hai người vẫn quyết định làm đám cưới rồi bỏ đoàn kịch. Chị theo chồng về quê ở Ân Thi (Hưng Yên).

Từ một diễn viên kịch nói chỉ biết đến sàn diễn, buổi sáng chị phải dậy sớm, đi bộ mấy cây số với gánh bánh rán trên vai rong ruổi ra chợ, chiều làm ruộng. Nhưng tình yêu tuổi trẻ giúp chị vượt qua tất cả. Đến lúc cuộc sống bớt khổ hơn, có cái ăn cái mặc thì vợ chồng lại chẳng ở được với nhau.

Năm 1986, sau khi ly hôn, chị lên Hà Nội vào Đoàn kịch nói Bộ Nội vụ (nay là Đoàn kịch CAND). Lúc đó chỉ là nhân viên hợp đồng, lại ôm theo cậu con trai mới 3 tuổi, đồng lương không thể nuôi sống hai mẹ con nên chị tranh thủ đi buôn phụ tùng xe đạp. Công việc này đưa đẩy chị gặp Nguyễn Văn Bằng (54 tuổi), ở Phố Huế (Hà Nội), chuyên kinh doanh phụ tùng xe đạp, cũng mới ly hôn vợ.

Năm 1988, chị kết hôn lần hai với anh này. Mẹ chồng đến cơ quan làm ầm lên, chị buộc phải nghỉ việc. Hai vợ chồng về Hải Dương thuê cửa hàng kinh doanh phụ tùng. Năm 1993, thấy công việc làm ăn của vợ chồng chị phát đạt nên nhà chồng nguôi giận, bảo hai người về.

Không ngờ sau khi thâu tóm kinh tế, mẹ chồng tìm cớ gây chuyện, xúi giục con trai đối xử tệ bạc với chị. Không chịu được cuộc sống gia đình nhà chồng quá hà khắc, chị ôm con bỏ đi với hai bàn tay trắng. Không nhà cửa, chị mang con về ở nhà chị gái ở quận Thanh Xuân tá túc.
Tình cờ năm 1996, hai chị em vào Sài Gòn chơi, thấy nghề làm mành rèm trang trí nhà rất phát đạt, chị học lỏm cách làm rồi quyết định ra Hà Nội kinh doanh. Hai chị em chung nhau mở cửa hàng rèm nhỏ trên phố Tây Sơn mang tên Hải Yến.

Một lần đưa con đi chơi công viên Thủ Lệ, qua phố Cầu Giấy lúc đó mới mở đường, chị nhận ra đó là "thị trường" tiềm năng cho nghề rèm nên quyết định mở cửa hàng riêng, lấy tên cậu con trai thứ hai Công Anh, cửa hàng rất đông khách.

Bà chủ cửa hàng rèm Công Anh xinh đẹp, kinh doanh giỏi giang lại độc thân khiến nhiều người đàn ông tơ tưởng là chuyện bình thường. Đúng lúc đó, gã chồng cũ tìm đến đề nghị nối lại tình cảm. Không được đáp ứng, anh ta dọa tạt axít.

Chị vẫn nhớ như in ngày định mệnh đó (23/8 âm lịch năm 1997), Bằng ngồi lỳ ở cửa hàng. Sẩm tối, chị đóng cửa hàng về nhà em gái ở Yên Hòa, anh ta vẫn lẵng nhẵng đi xe theo. Chị đi bộ qua đường, bất ngờ thấy mặt bỏng rát, và biết bị hắt axít, liền kêu cứu. Lúc đó, Bằng đi sau, giả vờ kêu lên: "Trời ơi, ai cứu vợ tôi với!".

Khi đưa chị vào bệnh viện 103 cấp cứu, thái độ luống cuống, run rẩy của anh ta đã khiến công an nghi vấn. Kẻ trực tiếp tạt axít chị bỏ trốn và bị bắt sau đó mấy năm, bị xử 15 năm tù giam. Sau này, tại tòa chị đã xin cho anh ta. Thậm chí khi Bằng thụ án tại trại Tân Kỳ (Nghệ An) chị vẫn lặn lội mang cả con nhỏ vào thăm.

Nhà chồng cũ mỉa mai rằng, bây giờ xấu xí, không lấy được ai nữa nên muốn quay lại. Chị cảm thấy bị xúc phạm nhưng vẫn làm những việc tình nghĩa, làm đơn xin giảm án cho anh ta. Bằng được giảm án từ 15 năm xuống 13 năm. Do cải tạo tốt nên 7 năm sau, Bằng được ra trại và anh ta đến nhà xin lỗi chị.

Nhớ lại những ngày chị điều trị bỏng axít tại bệnh viện Quân y 103, chị bảo đó là thời gian kinh hoàng nhất trong cuộc đời. Chị chỉ nhớ liên tục lên bàn mổ, lúc nào cũng mê man vì chưa kịp tỉnh đã lại gây mê cho cuộc phẫu thuật tiếp theo. Người đi cùng chị suốt chặng đường tại bệnh viện là anh trai lớn. Mỗi lần đưa chị vào phòng phẫu thuật, anh trai chị lại bỏ ra sân khóc.

Chị kể, không hiểu có phải là điềm báo không nhưng khoảng một tuần trước khi xảy ra vụ án, tự nhiên chị nổi hứng rủ mấy người bạn gái đi chụp ảnh nghệ thuật tại studio của vợ chồng nghệ sĩ Chí Trung - Ngọc Huyền. Đó là năm 37 tuổi mà theo chị thì đúng cung hạn. Chị mặc váy cô dâu, gương mặt rạng ngời hạnh phúc.

Mỗi lần nhìn những bức ảnh cũ, quá khứ lại ùa về khiến chị không ngăn được những giọt nước mắt đau đớn, xót xa cho số phận của mình. "Buồn lắm" - giọng chị nghe mênh mang như nước hồ thu..


Sưu tầm

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét