Thứ Sáu, 1 tháng 6, 2012

Động lực lớn nhất trong tôi


“Cuộc sống!” Đến bây giờ tôi vẫn chưa thể khẳng định rằng mình đã hiểu đầy đủ về ý nghĩa của hai chữ này. Tôi biết cuộc sống không phải lúc nào cũng đầy màu hồng. Tôi cũng biết cuộc sống không hoàn toàn dễ dãi với bất cứ ai.
Tôi luôn nghĩ rằng: “ cũng là tôi, cũng là con người này nhưng ba má tôi lại là những người khác- tôi sinh ra trong một gia đình khác dù cái hoàn cảnh vẫn không khác, liệu tôi có được như bây giờ…?” Bởi cái gọi là “cuộc sống” ấy đã không mỉm cười với gia đình tôi. Nhưng dù có ra sao đi nữa, giờ đây trong tôi luôn có một niềm tin vững chắc, tin mình có thể vượt qua, và người đã cho tôi niềm tin ấy chính là ba má tôi! Những người tôi kính trọng nhất, yêu thương nhất, tôi có ngàn lời cảm ơn muốn nói ra, nhưng chưa nói được một lần, chỉ để trong lòng và thầm nói bằng những hành động cụ thể, những việc mình có thể làm, mong họ có thể vui vì tôi!
…Tôi có một người cha tàn tật đã hơn 20 năm nay. Lúc tôi được ba tháng tuổi, gia đình tôi mới từ Bắc vào Nam lập nghiệp.. Một ngày cuối năm 1987, chỉ là tai nạn lao động trong lúc làm thôi, vụ nổ trái đã cướp đi của ba tôi đôi chân cùng cánh tay phải. “Cuộc sống” đã không dễ dãi với những người như ba má tôi… Ba tôi nằm trên giường hơn một năm rồi mới tập đi bằng đầu gối, tập viết và làm mọi thứ bằng tay trái. Và ba tôi đã làm được những điều ấy gần 20 năm. Ông giờ vẫn đi lại bằng đầu gối, viết và làm tất cả những gì có thể bằng tay trái… Còn má tôi, có lẽ cũng đã khóc nhiều, đau đớn nhiều. Ba tôi mới vào đây đã bị như vậy, thử hỏi má tôi phải làm sao? Có những lúc tâm sự với má tôi hay hỏi: “sao không thấy má khóc vì chuyện đó nữa?”, má chỉ cười rồi nói: “khóc chán cũng thế thôi, vẫn phải sống, vẫn còn mày, còn ông đó, còn gia đình nữa. Cứ ngồi đó khóc mà sống được sao? Cơm đâu đổ vào mồm?”
Má tôi có một quan niệm sống thật vững vàng, làm tôi vô cùng ngưỡng mộ. Má đã biến đau đớn thành nghị lực để vượt lên trên nỗi đau ấy. Khi ấy vừa lo cho ba lại vừa lo cho tôi- quả là những gánh nặng quá sức với một người phụ nữ trẻ như má. Hơn nữa lại còn ở nơi đất khách quê người, không người thân, không bạn bè, chỉ với sự giúp đỡ của bà con hàng xóm.
…Thời gian thấm thoát đã 20 năm trôi qua. Một khoảng thời gian khá dài rồi, bây giờ gia đình tôi cũng vẫn còn rất khó khăn, nhưng tôi luôn tự hào về gia đình của tôi. Tôi không oán trách “cuộc sống” sao lại khắt khe với gia đình tôi quá đỗi như vậy. Tôi nhận ra mình phải biết ơn cuộc sống nữa. Nó đã dạy cho tôi rất nhiều từ những gì đã xảy ra. Tôi hiện nay đã là một sinh viên. Tôi còn một em gái học lớp 12 và một em trai học lớp 9. Ba chị em theo học, đó là cả một vấn đề với gia đình. Tôi hiểu điều đó chứ. Nhờ sự quan tâm của các cấp chính quyền, chị em tôi luôn được giảm tiền học. Vẫn là một gia đình nằm trong diện “xóa đói giảm nghèo”, nhưng ba má tôi vẫn luôn cố gắng để chị em tôi được ăn học đầy đủ như những đứa trẻ khác.
…Mùa điều chín hay mùa mì lúc cỏ mọc, trên vườn vẫn không bao giờ thiếu bóng dáng ba má tôi. Ngày mùa, đi học về, chị em tôi đều ra vườn làm với ba má. Mùa điều thì bất kể thời gian, trưa hay tối, có lúc ba má ở luôn ngoài vườn ăn trưa xong lại làm tiếp. Thế mà lúc chị em tôi đi học về, ba má vẫn luôn chuẩn bị sẵn cơm trưa rồi. Nhìn ba lê gối trên vườn, cúi nhặt từng trái điều bằng cánh tay còn lại dưới cái nóng nắng ban trưa, mồ hôi lấm tấm trên mặt, tôi cảm thấy mình vẫn chưa làm gì xứng đáng với ba má cả. Má cũng lom khom nhặt rồi lại móc. Nhìn ba má làm, tôi càng thương ba má tôi hơn. Chị em tôi do phải đi học mất nửa ngày nên chỉ có thể làm được nửa ngày. Còn ba má tôi lăn lộn trên vườn suốt mùa điều. Ba tôi vì chỉ còn một tay, làm mãi bằng cánh tay đó nên mấy khóe móng tay năm nào mùa điều cũng bị sưng lên cả, bị mủ ăn mà ra. Thế nhưng ba không hề than vãn, ngày nào cũng lê gối ra vườn. Gối có mỏi, có sưng hay trầy, tối về ba chỉ ngâm nước muối thôi. Những khi trở trời, thời tiết lạnh, xương ba tôi lại nhức. Nó có nguy cơ dài ra vì còn phát triển. Bác sĩ nói nếu dài ra thì ba tôi sẽ phải làm phẫu thuật để cắt bớt đi. Ba tôi vẫn nói không sao và…kệ nó. Hiện giờ thì sức khỏe ba tôi đã yếu đi rất nhiều, lại hay bệnh và tháng nào cũng phải đi viện lấy thuốc cả. Có lẽ càng lớn tuổi, với chân tay như thế nên ba tôi càng yếu hơn. Nhìn ba, tôi chỉ biết nhìn ba tôi đang lặng lẽ chịu đựng để lo cho chị em tôi.
Đôi chân ba tôi không còn, nhưng đôi gối ba tôi đã đi khắp vì chị em tôi. Lúc chúng tôi còn nhỏ, ba tôi còn đi bán vé số ở Sài Gòn. Giờ ba không đi bán vé số nữa vì chị em tôi đã lớn. Và mẹ tôi còn phải đi làm mướn nữa. Chúng tôi chỉ biết ăn và học thôi. Ba má tôi cứ lặng lẽ như thế mà không than vãn câu nào. 20 năm qua ba má tôi thay nhau người làm ở nhà, người đi làm ngoài nuôi chị em tôi ăn học khôn lớn đến thế này.
Tôi vào Đại học. Ngày nhập trường lại bị bệnh không thể đi được. Vẫn đôi gối ấy, ba tôi lên trường làm hồ sơ nhập học cho tôi. Với hình dáng như ba tôi mà đi ra ngoài hay đến những nơi đông người là đầy khó khăn. Huống hồ tật nguyền thì tránh sao khỏi mặc cảm và những cặp mắt luôn dán vào ba tôi mỗi khi ông xuất hiện. Thế mà ba tôi vẫn đi, cũng bởi ông thương tôi và cũng là lo cho việc học của tôi. Ít ngày sau, trên một góc nhỏ của báo “Tuổi trẻ” là hình ảnh của ba tôi cùng một bài viết của các phóng viên với tựa đề “Nhịp đời qua ống kính- Cha nhập học thay con”. Trên truyền hình, một góc tin cũng có cảnh ba tôi đến trường làm hồ sơ cho tôi… Vẫn là ba, vẫn bước thấp bước cao, ba vẫn lê đôi gối để thay tôi đi đến những nơi tôi phải đến. Khi ra ngoài cùng ba tôi- một người tàn tật, tôi không hề mặc cảm hay xấu hổ gì hết. Tôi thấy rất tự hào khi được đi chung với ba. Ba - đó là niềm hãnh diện lớn nhất của tôi, là tấm gương không ngừng vươn lên để tôi học hỏi suốt đời.
Với người bình thường, để lo cho một gia đình có lẽ cũng đã khó. Với ba tôi thì việc ấy càng trở nên khó khăn hơn nữa. Chính vì điều đó, tôi giờ đây đã có một nghị lực như ba tôi vậy. Cuộc sống dẫu còn trêu đùa ta thì ta cũng phải cố gắng hơn nữa.
Còn má tôi, ấy là một người có sức chịu đựng. Má không vì ba - người không còn là lao động chính nữa - mà than oán. Má thay ba lo những việc nặng nhọc ngoài đồng- dù rằng đó là những việc giành cho người chủ gia đình. Má tôi thường nói rằng: “chồng người ta dài chân dài cẳng, cái gì nặng cũng có chồng, chồng người ta thì đi kiếm tiền về, còn tao, ổng ngồi một chỗ rồi thì phải lo mà làm lấy chứ, còn nhường cho ai được nữa…” Tôi hỏi mẹ: “hồi còn trẻ ba má có hay đi chung ra ngoài không, giờ ba vậy rồi, má đi đâu cũng tự đi lấy một mình, má có thấy…sao không?” Má lại nói: “đi hoài một mình riết rồi cũng quen”, má cười… Tôi hiểu cho má chứ. Ở địa vị một người vợ mà bao nhiêu chuyện của chồng cũng đều phải một tay lo hết, má tôi đã thay vị trí của ba tôi để đảm đang, quán xuyến mọi việc trong ngoài.
Cả ba và má tôi đều là những tấm gương cho tôi học hỏi suốt đời. Tôi học mãi. Từ cuộc sống của ba má, tôi học được rất nhiều điều và luôn tự nhủ mình phải cố gắng hơn nữa để xứng đáng với những gì mà ba má đã hi sinh cho chị em tôi. Bây giờ tôi đã vào Đại học, nhưng việc học của tôi lại được duy trì bằng tiền đi mượn của chương trình hỗ trợ vốn cho sinh viên có hoàn cảnh gia đình khó khăn. Có lẽ lúc ra trường đó sẽ là cả một vấn đề lớn đối với bản thân tôi. Nhưng không sao. Bên cạnh tôi luôn có ba và má, những người luôn ủng hộ và lo lắng cho tôi. Chuyện đó cũng sẽ được giải quyết sau khi tôi ra trường. Bây giờ việc trước mắt tôi cần làm là phải cố học cho tốt, chi tiêu số tiền mình có sao cho chính đáng, hợp lí, bởi ở nhà tôi còn có hai đứa em cũng đang theo học, có ba và má vẫn đang kiếm từng đồng để nuôi chị em tôi ăn học.
Hai em của tôi,có thể nói hai đứa học rất khá. Hai đứa luôn được nhận học bổng hàng năm, cũng đỡ cho ba má tôi phần nào. Tiền học của chị em tôi cũng được giảm một phần, nhưng càng học lên thì tiền là cả một vấn đề. Tôi thấy hơi lo. Tôi sợ ba má tôi sẽ phải cực khổ hơn nữa, sẽ vất vả hơn nữa. Ngày còn ở bậc phổ thông cơ sở, tôi vẫn luôn giành được học bổng. Giờ vào Đại học, tôi thấy còn phải cố hơn nữa. Bởi môi trường Đại học giờ đã khác trước hoàn toàn. Có những lúc tôi thấy mệt, nhưng nghĩ đến gia đình có ba má luôn trông chờ ở tôi rất nhiều, tôi lại không cho phép mình được gục ngã. Tôi thấy mình phải bước đi tiếp, không được chùn chân…

Hôm nay, nhờ trang giấy này, tôi có thể nói ra được những gì mà bấy lâu nay tôi luôn để trong lòng. Tôi mong ba má có thể nghe được những điều này để biết rằng tôi rất yêu quý và ngưỡng mộ hai người. Và suốt cuộc đời tôi, có lẽ ba má là tất cả với tôi. Những người đã cho tôi sức mạnh nghị lực để tôi có thể vững bước trên con đường đời. Người luôn là chỗ dựa vững chắc nhất cho tôi. Với tôi, ba má là những người tuyệt vời nhất, bởi cuộc sống dù đã không dễ dãi lắm với ba má nhưng hai người vẫn không hề chùn bước. Dù hoàn cảnh còn nhiều khó khăn song ba má vẫn lặng lẽ vì chị em tôi. Một người ba tật nguyền không vì mỏi gối vẫn luôn bước đi chung với tôi trên mọi nẻo đường. Một người má đã gánh vác công việc gia đình, thay ba làm trụ cột- dù chỉ là má. Tôi chỉ muốn nói rằng: “Con cảm ơn những gì ba má đã làm cho con, con yêu ba má nhất”.Ba má luôn là động lực lớn nhất trong tôi để tôi có thể làm được mọi việc một cách tốt nhất.
Và tôi cũng rất muốn nói lời biết ơn đến một người thầy. Tôi được thầy dạy trong năm cuối của bậc phổ thông trung học. Tôi rất cảm kích trước tấm lòng của thầy - người đã giúp đỡ tôi về mặt tinh thần rất nhiều, giúp tôi thực hiện được ước mơ: vào Đại học. Thầy Lê thanh Lâm – giáo viên trường THPT Tam Phước. Tôi cảm nhận được tấm lòng của một người thầy rõ ràng hơn bao giờ hết. Tôi vốn thích học các môn xã hội. Các môn tự nhiên thì học kém hơn. Để học tốt, chúng tôi chỉ có thể chăm chỉ hơn. Thầy luôn dạy tôi học về những môn ấy. Những chỗ chưa hiểu thầy luôn hướng dẫn cho tôi, nhờ thế tôi có thể học tốt hơn. Và hơn hết là những lời khuyên của thầy giành cho tôi. Cũng bởi hoàn cảnh gia đình mà không ít khi tôi đã yếu lòng vì sợ. Tôi thì chỉ biết ăn học. Mỗi khi nhìn thấy ba má lam lũ tôi lại sợ. Tôi không hiểu mình lo sợ cái gì nữa. Có lẽ vào lứa tuổi ấy, tôi hay “lo xa”, nhưng nó đã ảnh hưởng đến việc học của tôi. Có lúc càng cố tôi lại càng nản. Tôi thương ba má nhưng đâu làm được gì. Thầy luôn nhắc nhở tôi phải cố học. Học thì sẽ khác. Những gì thầy nói ngày ấy, bây giờ tôi càng thấm thía hơn. Rất may những khi tôi lơ là vì lo ba cái chuyện không đâu, thầy luôn là người kịp thời nhắc nhở. Giờ đây tôi hiểu rõ hơn vì sao thầy luôn nói tôi “phải cố học, ngoài ra đừng lo những chuyện vớ vẩn nữa”.
Cám ơn thầy - người đã luôn nhắc nhở và ủng hộ tôi.
…Cám ơn đời đã đem đến cho tôi những người rất tốt, đã cho tôi cuộc đời rất ý nghĩa với những bài học vô cùng giá trị, cần thiết cho một con người. Cuộc đời mà, đâu phải lúc nào cũng toàn màu hồng, nhưng bên tôi luôn có ba má, có thầy cô, có cả những người bạn… Những gì tôi viết ra đây, tôi chỉ mong những người tôi yêu thương nhất có thể nghe được những điều tôi muốn nói. Tôi nghĩ mình còn phải cố gắng nhiều hơn nữa bởi so với những gì tôi đã nhận được thì những điều tôi đã cố gắng vẫn chưa là gì cả.

Sưu tầm

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét