Chủ Nhật, 24 tháng 6, 2012

Sinh viên mệt nhoài với mùa thi cử


Học đại học nhưng đến mùa thi thì các bạn sinh viên cũng lo lắng "quên ăn quên ngủ" không kém gì teen cấp 3 đâu.
Học tủ và bị "tủ đè" là chuyện bình thường

Chuyện học tủ là điều gần như xảy ra đối với tất cả sinh viên. Với khối lượng kiến thức khá nhiều, trong khi đó sinh viên chỉ học trong những ngày kiểm tra hoặc sắp thi, còn thời gian khác thì dành cho đi chơi, mua sắm, phượt, tụ tập bạn bè… Hơn nữa, ở đại học không có việc kiểm tra bài cũ, không bắt buộc làm bài tập về nhà, chủ yếu học trên tinh thần tự giác là chính, thế nên chuyện học hết kì rồi mà... chẳng biết mình học cái gì khá phổ biến. Và đây cũng là nguyên nhân khiến sinh viên ngại ôn tập. Nội dung thì nhiều, chẳng biết bắt đầu ôn từ đâu. Thôi thì cứ may rủi vậy, đọc được đến đâu thì đến. 

Hường (19t) cho hay: “Chuyện học tủ với sinh viên là đương nhiên rồi! Mình và các bạn trong phòng cũng vậy. Trước ngày thi 2-3 ngày mình thường xem đề của các khóa trước hay thi vào phần nào, hay hỏi câu nào thì mình học phần đấy. Chỉ mong sao trúng tủ chứ cả kì chơi suốt bây giờ biết gì đâu mà học, nhất là phần lí thuyết. Cũng có lần may mắn đề trúng câu mình học, nhưng cũng không ít lần bị tủ đè. Nhưng có lẽ “chất sinh viên” ngấm vào máu rồi không sửa được!”

Sinh viên mệt nhoài với mùa thi cử (Ảnh minh họa).
Phao cứu trợ

Cái này chỉ dành cho những bạn... liều một chút, vì nếu bị bắt tài liệu trong phòng thi thì sẽ bị đình chỉ thi, "xơi" điểm 0 và bị hạ một bậc rèn luyện. Nhất là với sự hỗ trợ của thầy giám thị “xuất quỷ nhập thần”, khắc tinh của mọi sinh viên thì việc dùng phao càng trở nên khó khăn hơn. Thế nên để dùng đến phao là tình thế nguy cấp và chỉ có những sinh viên “bản lĩnh” mới dám dùng. Bây giờ, sinh viên thường truyền tai nhau câu “không cần biết đề dễ hay khó chỉ cần giám thị “lỏng tay”.

Hùng (20t) nói: “Trước mỗi kì thi hiện tượng sinh viên photo phao cứu trợ đông như trẩy hội. Những chiếc phao này rất bé để tiện bề cho việc cất vào túi áo hay túi quần. Thế nên đi thi sinh viên ai cũng thích ngồi ở những khu vực được coi là “vùng sâu vùng xa” để dễ bề hoạt động. Nói thế thôi chứ rất nhiều bạn dùng phải phao xịt chưa kịp giở thì đã bị “tóm” và bị đuổi ra ngay khỏi phòng thi.”

Một dạng "phao cứu trợ" khá liều của giới sinh viên (Ảnh minh họa).

Trợ giúp từ những “đồng chí” xung quanh

Suốt mấy kì thi, gần như sinh viên đã kịp làm quen với hầu hết các bạn thi cùng phòng mình, có chăng cũng chỉ thay đổi một số vị trí ngồi hay ngồi số bạn mới mà thôi. Bởi vậy việc “hợp tác cùng có lợi” đã trở nên rất phát triển. Chẳng hạn như bạn ngồi trên sẽ để tờ giấy thi của mình sang một bên cho bạn bàn dưới chép, bạn ngồi dưới sẽ đọc thầm cho bạn ngồi trên chép. Và thế là cả hai cứ ung dung làm mà không cần quay ngược quay xuôi hay làm mất trật tự. 

Nhiều sinh viên khi đi thi chọn những vị trí “thiên thời địa lợi nhân hòa” gần bạn học giỏi, dễ tính. Trao đổi bài với bạn cũng rất hiếm khi bị giám thị đánh dấu bài, có chăng cũng chỉ là nhắc nhở mà thôi. 

Những cách này có thể giúp sinh viên vượt qua được một hay hai môn chứ không phải môn nào cũng suôn sẻ. Nếu không học không có kiến thức bạn sẽ không thể làm được bài và nhất là sau này không thể vận dụng kiến thức đó vào trong đời sống được. Kì thi đã và đang diễn ra rồi, không có gì là quá muộn để các bạn sinh viên bắt tay vào công cuộc ôn thi cả. Chúc các bạn có một mùa thi may mắn!

Theo (kenh14)

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét