Chủ Nhật, 24 tháng 6, 2012

Hạt thóc để cho...chim ăn, phải không bố???


Vừa vào đến sân nhà bác trưởng, tôi còn chưa kịp dừng xe thì thằng bé nhà tôi ngồi sau đã hét lên ầm ĩ : "Bố ơi, công đen, công đen" khiến tất cả mọi người đang đứng ở sân cười ngặt nghẽo. Tôi cũng không nhịn được, phì ra cười.

Những thứ cháu biết về cuộc sống là từ sách vở và Internet.
Những thứ cháu biết về cuộc sống là từ sách vở và Internet.
Nhưng ngay lập tức nụ cười trên môi tôi tắt biến khi tôi nhận ra con trai tôi là một "gà công nghiệp" chính cống - sản phẩm của lối nuôi dạy công nghiệp mà vợ chồng tôi cũng như rất nhiều cặp vợ chồng khác ở thành phố đang áp dụng.
Nếu so với chúng bạn thì Hoàng - con trai tôi không thua kém gì. Cháu học khá đều tất cả các môn, khối lượng kiến thức xã hội tương đối. Tôi đã từng rất tự tin khi nói với vợ: "Cứ đà này thì hết cấp III là có thể cho cậu ấm tự lập được rồi". Tất nhiên hết cấp 3 cũng là một thời hạn khá dài, vì bây giờ con tôi mới 6 tuổi.
Vợ tôi, xuất thân nông thôn 100%, rất khó chịu với cách nhốt bọn trẻ trong nhà và trường học, quanh đi quẩn lại với thư viện, phim, Internet. Cô ấy luôn cho rằng: chỉ có trực quan sinh động mới mang lại những kiến thức và vốn sống thực tế nhất.
Dù vậy, sống giữa môi trường Thủ đô, cô ấy cũng chẳng thể làm khác. Con tôi, ngoài giờ ở trường cũng bị nhốt chặt trong nhà vì sợ bị bắt cóc, sân chơi không có nên những thứ cháu biết về cuộc sống, tất nhiên, như tôi đã nói ở trên, là từ sách vở và Internet.
Đến mùa hè này, khi vợ tôi lần đầu tiên cãi chồng, quyết định cho con về với ông bà ngoại nghỉ 1 tháng hè thì trong nhà tôi thực sự có một cuộc chiến.
Vợ tôi, gần như phát điên lên khi thằng con trai 6 tuổi bình thường "chém gió" với bố như thánh, như tướng; lúc nào cũng tỏ ra ga lăng, mạnh mẽ với các bạn, với em, khi cho về quê thì trở nên dúm dó, không dám ra khỏi nhà.
Cháu sợ từ con mèo, con chó trở đi. Con gà trống chạy ở sân cũng làm Hoàng tái mét mặt. Bồ câu, thỏ... ông nuôi cũng được cháu đề nghị mang ra làm thịt hết vì... "sợ lắm ông ạ".
Buổi chiều, ông ngoại đưa cháu ra sân vận động huyện đá bóng, đang vui vẻ, thấy mấy con chuồn chuồn đậu ở cầu môn, "chàng trai" thành phố của tôi khóc ầm lên đòi về.
Ông lại chuyển sang phương án hai, cho đi câu cá. Nhưng cá chưa câu được con nào thì hai ông cũng cũng phải đưa nhau về vì con trai tôi hoảng hồn với tiếng ve sầu.
Vợ tôi đã làm ầm ĩ lên khi bà ngoại gọi điện kể chuyện. Tôi thì không tin, con tôi đọc sách, đọc truyện suốt ngày, Internet suốt ngày, làm gì có chuyện cái gì cũng sợ, cái gì cũng không biết.
Cuối cùng, tôi vẫn bị bắt phải xin nghỉ phép nghỉ 1 tuần để cùng vợ về quê xem thực hư vấn đề của cậu cưng, nếu đúng là thực... thì tôi sẽ có nhiệm vụ "cải tạo" đối tượng!
Ngày đầu tiên có bố mẹ về, cậu ấm nhà tôi tự tin hẳn lên, rất dõng dạc kể chuyện con đi đá bóng, câu cá (tất nhiên không bao gồm các tình tiết khiến cuộc vui bị lỡ của cậu í), con gà nhép chạy vào nhà là cậu ấm xua rất hoành tráng. Tôi hỉ hả nháy mắt với vợ.
Nhưng sang ngày thứ hai, thì đấy, cậu ấm nhà tôi vẫn gọi con gà trong nhà bác trưởng là công đen; mắt tròn mắt dẹt nhìn "ông" trâu lừng lững ra đồng, rồi gần như chết ngất khi thấy con sâu bò lổm ngổm trên cành rau trong vườn của bác.
Nhiều trẻ em thành phố được nuôi như... gà công nghiệp - ảnh minh hoạ
Nhiều trẻ em thành phố được nuôi như... gà công nghiệp - ảnh minh hoạ
Buổi chiều hôm ấy, tôi đưa con trai ra đồng (nhằm gỡ gạc tí hy vọng cho mình), nhưng ngoài duy nhất củ su hào (có lẽ vì mẹ cháu thường mua nguyên cây như thế về nhà), còn lại cháu không nhận ra bất cứ thứ gì.
Thậm chí khi tôi hỏi cây lúa, Hoàng cũng không biết. Hai bố con đã có cuộc trò chuyện thế này :
-         Con có biết cánh đồng kia là gì không ?
-         Không, bố ạ.
-         Ở đấy trồng cây lúa.
-         Cây lúa để làm gì hả bố?
-         Cây lúa cho hạt thóc con ạ.
-         A, con biết rồi, hạt thóc để cho chim ăn, phải không bố?
Đấy, con tôi thậm chí không biết hạt thóc dùng để xát gạo nấu cơm hàng ngày. Thế mà tôi cứ nghĩ, năm châu bốn biển, con tôi biết nhiều lắm.
Tôi và vợ tôi sẽ ở quê với cháu một tuần. Hôm nay cháu đã biết, cây lúa để cho hạt gạo mình ăn. Ngày mai cháu sẽ biết con trâu là bạn kéo cày của người nông dân... nhưng một tuần nữa thôi, về lại thành phố, lại quẩn quanh bốn bức tường từ nhà ra lớp, thì tôi thực sự bối rối không biết sẽ phải làm thế nào để con tôi đừng là con gà công nghiệp như trước nữa!

(theo BEE)

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét