Chủ Nhật, 24 tháng 6, 2012

Cửu vạn



Làm thầy cúng như có phép nhiệm màu. Khắt giầu lên nhanh chóng, anh sửa được nhà cũ, mua được nhà mới, ngoài ra còn có một khoản tiền khá lớn gửi ngân hàng. Khắt đổi đời, thành người giầu có...




 Minh họa: Nguyễn Đăng Phú.
Minh họa: Nguyễn Đăng Phú.

Sáu giờ sáng chằng buộc xong đồ nghề lên xe máy, Khắt xem đồng hồ giục cậu thanh niên đầu cắt trọc lốc:
- Phải đi ngay để lấy giờ đại an.
Cậu thanh niên khoác chiếc áo lụa mầu nâu giống hệt của Khắt lên người:
- Làm trong buổi sáng hở thầy?
- Ừ. Chờ họ họp để ông cũ bàn giao cho ông mới xong thì ta làm, chắc lúc đó khoảng tám giờ.
Hai chiếc xe máy phi ra khỏi nhà. Trời vào thu dịu mát, mây mỏng mảnh như những sợi tơ trắng. Có tiếng cu gáy thả vào không gian lúc trầm, lúc bổng, vọng theo sông Đáy dội về êm đềm, thư thái, làm cho tâm trạng Khắt lâng lâng. Đời, đúng như ông cụ thân sinh của Khắt đã nói: "Giầy dép còn có số, huống chi con người". Lúc nhỏ, Khắt học hành lẹt đẹt, sợ giấy bút như cua sợ ếch, lấy được cái bằng tốt nghiệp cấp hai, Khắt không thi vào cấp ba, mà khăng khăng xin bố mẹ cho đi học nghề. Khắt nghĩ, học nghề thì không liên quan gì đến giấy bút. Nhưng không ngờ, học nghề gì cũng phải tuyển đầu vào. Hôm thi, Khắt như quả bóng xì hơi, vò đầu, bứt tai, chẳng nhẽ lại bỏ giấy trắng. Trong phút bất cẩn, lại sẵn tính coi trời bằng vung, Khắt liền vẽ con cửu vạn trong bộ bài tổ tôm vào tờ giấy thi, nộp cho giám thị rồi chuồn.
Không đoái hoài gì đến chuyện học nghề nữa, Khắt đi làm lao động phổ thông. Bắt đầu là bưng bê cho quán phở, đến bảo vệ nhà hàng, rồi làm phu hồ, cuối cùng là bốc vác thuê cho các chủ hàng ở chợ đầu mối. Nghề bốc vác còn có tên gọi nữa là cửu vạn, tên con bài mà Khắt vẽ như tiên tri trên tờ giấy kiểm tra hôm nào. Khắt theo nghề cửu vạn dễ đến chục năm, có lúc Khắt đã yêu công việc đó, và tưởng sẽ gắn bó đến già với nó, bởi bốc vác, không cần phải động não, lại rất tự do. Nhưng rồi một ngày như trời định, Khắt bỏ nghề cửu vạn.
Hôm ấy kết thúc ngày làm việc, trên đường về Khắt gặp một ông già quắc thước, mặc bộ quần áo lụa màu nâu đang hì hụi đẩy chiếc xe chết máy, trên xe chằng buộc rất nhiều vật dụng. Ông già bảo: "Này, thanh niên đẩy hộ một đoạn, nhà gần đây rồi". Khắt bám tay vào. Thấy trên xe có cái loa thùng, Khắt hỏi: "Bố già mang những thứ này cho đám cưới à?". Ông lắc đầu. Xe đến sân gỡ đồ xuống, Khắt vẫn chưa biết ông già làm gì với mấy thứ lỉnh kỉnh ấy? Lúc vác giúp cái loa thùng lên tầng hai, Khắt mới tìm được câu trả lời. Thì ra ông già là thầy cúng, bởi trong phòng thờ của gia chủ, Khắt thấy hàng mã xếp đến tận cửa. Chưa bao giờ xem cúng lễ, Khắt tần ngần nửa muốn ở lại, nửa muốn về. Như biết tâm trạng của Khắt, ông già bảo: "Thanh niên muốn xem thì ở lại làm con hương cho thầy cũng được". Khắt ở lại. Ông thầy cúng tên là Toàn có tiếng trong vùng, nhưng hôm đó Khắt mới biết. Ngay phút đầu tiên mở quyển sách giấy dó, chữ Nho, dầy cả gang tay, đọc làu làu, ông thầy cúng đã như thỏi nam châm hút lấy thanh sắt là Khắt. Giọng thầy ngâm nga, toàn ngữ nghĩa Hán nôm Khắt nghe không hiểu. Nhưng Khắt đinh ninh, ông thầy cúng phải học nhiều lắm mới đọc được như thế. Đọc được như thế là "trên thông thiên văn, dưới tường địa lý", chỉ ra được tiền vận, hậu vận của con người, tránh được cửa tử, tìm được cửa sinh. Khắt khép nép, không còn dám ăn nói bạt mạng như trước. Anh răm rắp, lễ phép gọi ông Toàn là thầy xưng con. Kết thúc buổi lễ, Khắt sung sướng đến nghẹn ngào, bởi thầy Toàn giắt vào túi Khắt một tập tiền bằng công bốc vác cả tuần.
Đêm đó Khắt không ngủ, hình ảnh ông thầy cúng ám ảnh thường trực trong đầu. Có đến bốn lần anh dậy vuốt phẳng số tiền bỗng nhiên có được trong ngày. Khắt ước ao: Giá có cái nghề như của thầy Toàn. Nhưng ngay sau đó anh lại thở dài buồn bã, vì biết khả năng của mình không thể chinh phục được quyển sách chữ tượng hình rối rắm hơn cả mạng nhện ấy. Có tiếng gà gáy, trăng mười sáu tròn vành vạnh sáng như trời chiều. Giờ này các chuyến xe chở hàng bắt đầu tập kết về chợ đầu mối, cũng là giờ Khắt phải đi làm. Khắt ngồi dậy vặn mình uể oải, trong đầu chợt lóe lên. Không làm được như thầy, nhưng tại sao không đi làm cái việc như hôm qua? Khắt hít một hơi thở dài lấy can đảm, bấm di động gọi cho thầy Toàn. Nghe Khắt hỏi, thầy đáp lại giọng ậm ờ ngái ngủ: "Ờ, ờ, hôm nay làm lễ ở dưới Chằm, con có tâm thì theo giúp việc cho thầy". Khắt cảm ơn rối rít. Thế là từ hôm ấy, Khắt chính thức bỏ nghề cửu vạn.
Năm thứ nhất, Khắt làm con hương. Năm thứ hai Khắt thành thạo mọi công việc, thầy Toàn phô tô cho anh một quyển sách y hệt của thầy, để hai người thay nhau cúng cho đỡ mệt. Khắt sững sờ nhận ra, trong quyển sách, bên cạnh mỗi chữ Nho còn có một chữ quốc ngữ dịch nôm bé như hạt đậu xanh. Thầy Toàn đọc chữ ấy, chứ thầy cũng không biết đọc chữ Nho như Khắt tưởng. Thì ra, thầy cũng chẳng hơn gì trò. Thần tượng bị đổ vỡ, bù lại Khắt tự tin gấp bội. Anh âm thầm thức khuya dậy sớm, luyện đọc cho thuộc lòng những bài văn khấn, đợi thời cơ tách ra một mình một hướng. Và, không phải đợi lâu, một hôm đang uống rượu, thầy Toàn bỗng nhiên khuỵu xuống nằm như cái xác. Bác sĩ bảo: "Bệnh nhân bị đột quỵ vì não tổn thương rất nặng, không có cơ hồi phục". Tham vọng của Khắt thành hiện thực. Hơn cả mong đợi anh còn được gia đình thầy Toàn cho tất cả vật dụng hành nghề, kể cả quyển sách chữ Nho của thầy. Khắt còn nhớ như in buổi lễ đầu tiên tự biên, tự diễn, cậu thanh niên đang là đệ tử bây giờ đến xin anh theo hầu. Cậu ta cũng răm rắp, lễ phép gọi Khắt bằng thầy xưng con. Cậu chỉ lên cái đầu trọc: "Con xin theo thầy mãi mãi". Khắt cười mỉm, sao hắn giống mình đến thế? Tối đó về nhà, anh đốt đi một quyển văn khấn.
Làm thầy cúng như có phép nhiệm màu. Khắt giầu lên nhanh chóng, anh sửa được nhà cũ, mua được nhà mới, ngoài ra còn có một khoản tiền khá lớn gửi ngân hàng. Khắt đổi đời, thành người giầu có.
Cuộc họp bàn giao giữa ông Đạo nguyên trưởng khu, và ông Trường tân trưởng khu diễn ra chưa đầy một tiếng. Khi đặt bút ký vào văn bản, ông Trường ghé vào tai ông Đạo:
- Bác này. Em mời thầy về để dỡ bỏ cái bàn thờ, chứ cứ để đấy mồng Một ngày Rằm phải hương khói như bác thì em lạy cả nón.
Ông Đạo chột dạ:
- Ông mời rồi à?
- Vâng.
- Thầy nào?
- Chính ông mà ngày xưa, bà Hương thuê đến để trấn trạch và lập cái bàn thờ ấy.
Ông Đạo đưa tay lên che miệng giấu nụ cười.
Cách đây bốn năm, tổ dân phố mười hai có quyết định, nâng cấp thành khu phố mười hai. Để hoàn thiện cơ cấu hạ tầng, thành phố quyết định đầu tư cho xây dựng một nhà văn hóa làm trụ sở sinh hoạt học tập. Sau sáu tháng thi công, nhà văn hóa được hoàn thành, lúc đó bà Hương là trưởng khu lặng lẽ đi mời thầy cúng về trấn trạch. Nghe thầy bàn, bà đồng ý chi thêm chục triệu lập bàn thờ, để ngày Rằm mồng Một hương khói khẩn cầu các vị thần linh, phù hộ độ trì cho khu phố gặp mọi sự tốt lành. Nhà văn hóa được xây nơi cuối con đường lên sườn quả đồi thấp, nên khá vắng vẻ, khi mọi người biết thì chuyện đã rồi.
Chi bộ họp, khu phố họp, rất nhiều ý kiến qua lại. Người bảo đúng, vì cho rằng nhà văn hóa nó cũng như cái đình làng thời hiện đại, có chỗ thờ cúng thần linh, thành hoàng cũng là phù hợp. Người bảo sai, vì đây là nơi hội họp của các ban, ngành, đoàn thể, lập bàn thờ thì phải thường xuyên hương khói, vậy ai sẽ là người chăm lo hương khói, và hương khói thường xuyên thì có còn là nhà văn hóa nữa không? Tiền xây dựng nhà văn hóa là tiền của dân, mọi khoản chi tiêu phải minh bạch và phù hợp. Trưởng khu tự ý chi một khoản ngoài hạng mục, hỏi có đúng không? Cuối cùng chi bộ quyết định không quyết toán phần chi cho khoản tâm linh, và phải dỡ bỏ bàn thờ.
Quyết định là một chuyện, thực hiện quyết định lại là chuyện khác. Bà Hương đã tự giác bỏ tiền túi ra, bù vào khoản mà bà chi trái nguyên tắc, nhưng việc dỡ bỏ cái bàn thờ, bà lại đặt vấn đề: "Nhờ các đoàn thể, ban ngành". Việc tưởng dễ, bỗng hóa khó. Ban, ngành, đoàn thể nào cũng vô tư nhận lời, nhưng khi bắt tay vào việc, không có một cá nhân nào dám xung kích, đi đầu. Họ sợ phải trả giá. Họ sợ sức mạnh của vị thần linh vô hình ẩn trong hương khói. Một tháng, hai tháng, rồi đến hết nhiệm kỳ của bà Hương, cái bàn thờ vẫn còn đó. Đến nhiệm kỳ ông Đạo làm trưởng khu, mấy ngày đầu câu chuyện cái bàn thờ như đốm lửa cháy bùng lên, nhưng sau đó lại giống hệt khóa trước, không có người xung kích đi đầu, đành phải để cái bàn thờ tồn tại. Họp khu phố, ông Đạo đưa ra một giải pháp: "Ngày Rằm mồng Một tôi cứ thắp nhang theo nếp của bà Hương, nhưng xin phép được làm cái cửa để khóa kín phòng thờ, cho bớt điều qua tiếng lại".
Có lẽ đấy là kế sách hay, nên mọi người vỗ tay đồng thuận.
*
Khắt và cậu thanh niên đầu trọc đến nhà văn hóa khu mười hai, đúng lúc cuộc họp kết thúc, mọi người lục tục ra về. Trong nhà văn hóa chỉ còn lại ông Đạo và ông Trường. Thấy khách đến, ông Trường hối hả chạy ra kéo rộng cánh cổng:
- Mời hai thầy vào.
Khắt tắt máy xe:
- Bác đã chuẩn bị đầy đủ các thứ tôi ghi trong giấy chưa?
- Đủ rồi thầy ạ. Xe chở đến bây giờ.
Ông Trường vừa đắc cử trong cuộc bầu trưởng khu cách đây một tuần với số phiếu tín nhiệm tám bảy phần trăm. Cũng như những ngày ông Đạo mới nhận chức, chuyện cái bàn thờ tái diễn. Hôm nhận quyết định, Chủ tịch phường bảo: "Bác phải giải quyết dứt điểm, chứ nhà văn hóa không thể để một gian như hậu cung từ đường được". Vốn tính nóng nẩy, ông Trường vặc lại: "Cái bàn thờ ở đó đã bốn năm, qua hai đời trưởng khu mà không ai dám phá bỏ, bây giờ đến tôi cũng người trần mắt thịt có phép nhiệm mầu gì, mà đồng chí bảo phải giải quyết dứt điểm"? Ông Chủ tịch thấy đuối lý, nói đại: "Nếu bác cũng bó tay, thì thuê người". Ông Trường nhăn nhó: "Khổ quá, khu cũng thuê rồi, nhưng cả đến ăn mày tới cũng chỉ nhìn rồi lắc đầu bỏ đi, thì biết làm cách nào?". Có tiếng người ngồi phía dưới vọng lên: "Thuê ngay cái ông lập ra bàn thờ ấy, xây được thì đương nhiên phải phá được". Phòng họp ồ lên: "Phải đấy". Ông Trường nghe có lý, ngay hôm sau ông đến hỏi bà Hương địa chỉ nhà Khắt.
Nghe ông Trường đặt vấn đề, Khắt đặt cặp kính lão xuống bàn:
- Nói thế này cho bác dễ hiểu nhé. Dương sao âm vậy, mời người đến ở nhà mình đã khó, nhưng đuổi người ta ra khỏi nhà còn khó gấp trăm lần. Vậy mà người đến nhà mình lại là thần linh, không khéo rước vạ vào thân, hậu quả không thể lường được đâu. Tốt nhất cứ để các ngài yên vị.
Ông Trường như bị dội nước lạnh, cố nài nỉ:
- Thưa với thầy, chính vì chúng tôi biết là rất phức tạp, nên mới đến cậy nhờ thầy. Thầy cố tìm xem còn có cách nào không? Tốn kém mấy, chúng tôi cũng chấp nhận
- Không thể phá bỏ, nhưng chuyển chỗ khác thì được.
- Chỗ khác là chỗ nào hở thầy? - Ông Trường nôn nóng.
Khắt nhăn mặt:
- Là nơi thờ mới, chứ còn gì nữa.
- Nhưng kinh phí ở đâu mà làm nơi thờ mới? Thế có bằng đánh đố. Thôi đành để các ngài yên vị vậy.
Ông Trường lộ rõ vẻ thất vọng, muốn đứng lên ra về. Khắt cười:
- Còn một cách nữa, nhưng hơi tốn kém đấy, bác đồng ý thì tôi làm cho.
Câu nói của Khắt như níu ông Trường lại:
- Thầy nói đi, tôi xin nghe.
Khắt nói chậm, cố ý cho ông trường nghe rõ từng câu:
- Tôi sẽ làm lễ, rước ngài về điện thờ của tôi, nhưng ở điện thờ việc hương khói không chểnh mảng được đâu.
Ông Trường như kẻ đuối nước vớ được cọc, thở phào:
- Thế thì còn gì bằng, vậy hôm tôi chính thức nhận bàn giao trưởng khu, mời thầy lên giúp cho nhé. Còn việc hương khói mỗi tháng, thì chi kinh phí cho thầy là được chứ gì?
Khắt gật đầu.
*
Thầy trò Khắt bước vào nhà. Nghe ông Trường giới thiệu, ông Đạo vỗ hai tay vào nhau:
- À… tôi nhớ ra rồi, anh là Nguyễn Viết Khắt người dưới Vân Thượng.
- Vâng - Khắt gật đầu.
Ông Trường giật giật tay áo ông Đạo:
- Bây giờ cả vùng ai cũng gọi là thầy Khắt ông bác ạ.
Ông Đạo ngập ngừng:
- Thế, thế thì tôi xin lỗi nhé.
Gương mặt Khắt hơi đỏ lên:
- Gọi thế nào cũng được. Tôi không câu nệ.
Ông Đạo kéo cái ghế ngồi đối diện với Khắt:
- Thầy hôm nay lên để giúp khu phố gỡ bỏ cái bàn thờ ạ?
- Ấy sao bác lại nói thế, các ngài phạt thì chết. Ai mà dám bỏ, tôi chỉ đến để làm lễ xin phép chuyển các ngài về điện thờ của tôi thôi.
- À ra thế. Tôi người trần mắt thịt cứ tưởng chỉ thắp nén hương, rồi xin phép chuyển ngài ra sông Đáy cho mát mẻ là xong.
Khắt lắc đầu quầy quậy:
- Thế thì bị quả báo ngay. Các bác thấy đấy, từ khi lập bàn thờ, tôi được biết bốn năm rồi, phong trào nào khu ta cũng dẫn đầu. Rõ ràng các ngài về phù hộ độ trì, chứ còn gì nữa. Các bác đúng là người trần mắt thịt, chỉ thấy gần mà chẳng thấy xa, chứ tôi đọc sách giấy dó chữ Nho của các cụ từ nhỏ, lại làm nghề cúng khấn, nên chứng kiến nhiều sự kiện nhiệm mầu lắm. Ông Mạch ở Vân Hạ ung thư Viện trả về chờ chết, làm cái lễ kêu thần linh nay khỏe như chưa hề ốm. Bà Thư trên xóm chợ, nghèo cháo không có mà ăn, đến điện thờ của tôi kêu cô ba lần, cách đây năm hôm, trúng giải nhất xổ số ẵm về gần trăm triệu đồng.
Nghe Khắt nói, ông Trường như rơi vào bát quái trận đồ, ông tin những điều Khắt nói là có thật. Còn ông Đạo nghe, mà cũng như không nghe. Ông ra đứng bên cửa sổ ngắm cây ngọc lan mỉm cười. Ngày ông về hưu chưa đầy ba tháng thì được dân bầu làm trưởng khu. Ông nghĩ, việc dỡ bỏ cái bàn thờ trong nhà văn hóa chẳng có gì phức tạp? Thời còn công tác, sau tết, năm nào ông cũng phải đi một vòng xuống các cơ quan thuộc quyền, yêu cầu dỡ bỏ các bàn thờ mà họ lập ra. Không ít cơ quan còn chần chừ, ông đã trực tiếp ra tay. Với ông, đằng sau hương khói, chỉ là hương khói. Vả lại sau làn hương khói nếu có một thế giới ảo, giống chốn dương gian như nhiều người vẫn nghĩ, thì làm một việc có lý có tình sao lại ngại? Sau mấy lần, khu tổ chức dỡ bỏ cái bàn thờ trong nhà văn hóa không thành, tính đi tính lại, để tránh sự suy diễn, lời ong tiếng ve, và cả sự lo lắng của vợ con, ông Đạo âm thầm thực hiện ý định nung nấu của mình. Ông biết sẽ có một ngày mọi việc trắng phớ, sẽ có một ngày sự thật bên trong cánh cửa được mở ra.
Hôm nay, giờ phút ấy đã đến. Ông hồi hộp, xen lẫn chút kiêu hãnh, trên miệng luôn nở nụ cười.
*
Chiếc xe tải nhỏ mà ông Trường thuê chở hàng mã, đã về đến sân nhà văn hóa. Thầy trò Khắt và ông Trường ùa ra. Đợi xe dừng, ông Trường leo lên tháo tấm bạt phủ:
- Ơ, sao lại chỉ có thùng không thế này? - Ông Trường thốt lên ngỡ ngàng.
Anh lái xe nhảy từ ca bin xuống:
- Bác Đạo nhắn, bảo cháu không lấy nữa.
Ông Trường và thầy trò Khắt vội vã chạy vào nhà:
- Sao bác lại bảo không lấy hàng mã nữa? - Ông Trường hỏi gấp gáp.
Ông Đạo cười:
- Muốn biết, mời các ông đi theo tôi.
Mọi người đi theo ông Đạo vào mở cửa phòng thờ. Khi cánh cửa được mở ra, trước mắt mọi người hiện ra căn phòng trống rỗng, sạch bong, thoang thoảng mùi hoa lan lọt qua ô thoáng bay vào. Ông Trường sững sờ:
- Ơ, thế bàn thờ đâu?
Ông Đạo chậm rãi:
- Tôi đưa tất cả ra sông Đáy từ sau cái hôm họp khu xin làm cửa, tính đến nay đã hơn hai năm rồi.
Ông Trường đứng như trời trồng. Mặt Khắt tái đi, anh lắc đầu:
- Các bác không biết, làm liều thế này thì chết. Quả báo, quả báo mất thôi.
Ông Đạo vỗ lên vai Khắt:
- Tôi vừa biết, anh đọc sách giấy dó chữ Nho của các cụ từ nhỏ. Nhưng cách đây gần hai mươi năm, tôi đã chứng kiến anh vẽ con bài cửu vạn rất láu. Anh thì không nhớ tôi, nhưng trong đời làm nghề giáo, tôi không quên anh được. Tôi chính là giám thị đã thu bài thi của anh năm nào, mà trên đó anh vẽ một người đang còng lưng vác bao hàng nặng người ta gọi là cửu vạn ấy. Nhân đây cũng báo để anh hay, cách đây một tuần ông Mạch bạn tôi đã qua đời. Tôi mới đi viếng về.
Khắt như hóa đá. Cậu thanh niên đầu trọc đến khẽ khàng nắm lấy tay, như thầm chia sẻ nỗi ngượng ngùng, đắng cay mà Khắt đang phải gồng mình lên gánh chịu. Không có lỗ nẻ để chui, họ đi như chạy ra nổ máy xe, rồi mất hút nơi cuối con đường dưới chân đồi.
Ông Trường đã qua phút ngỡ ngàng, đến bên ông Đạo:
- Bây giờ nên làm thế nào hả bác?
- Bắt đầu từ hôm nay, cái phòng này không cần cửa nữa. Ông gọi cậu lái xe vào, chở nó ra cho nhà mẫu giáo.
- Thế còn việc cái bàn thờ?
Ông Đạo cười thành tiếng:
- Thầy cúng vừa nói: Đến làm lễ xin chuyển các ngài về điện thờ của thầy, bây giờ thì việc lễ lạt đã xong, ông không thấy mừng sao?
Ông Trường hiểu ra, cười bật lên nghiêng ngả

(theo congannhanhdan)

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét