Thứ Ba, 4 tháng 12, 2012

Năm 2013 giá điện tăng cao

– EVN tiếp tục lỗ thêm 5.297 tỷ đồng kinh doanh điện năm 2011. Giá điện chắc chắn sẽ tăng chứ không giảm. Lộ trình này sẽ được trình Thủ tướng trong tháng 12 này. 

Những thông tin trên vừa được công bố tại cuộc họp báo của Bộ Công Thương chiều tối 3/12. 

Tiếp tục lỗ hàng nghìn tỷ đồng

Lỗ vẫn hoàn lỗ! Những con số “âm” theo kết quả kiểm tra giá thành điện năm 2011 (dựa trên báo cáo từ phía Tập đoàn Điện lực Việt Nam - PV) vẫn cho thấy một bức tranh không sáng sủa gì của EVN so với giai đoạn 2009-2010. 

Cụ thể, tổng chi phí sản xuất kinh doanh điện năm 2011 của EVN là 121.356 tỷ đồng, tương ứng với giá thành 1.282 đồng/kWh. 

Trong số này, tổng chi phí khâu phát điện là 93.557 tỷ đồng (tương ứng 988 đồng/kWh); khâu truyền tải điện là 6.889 tỷ đồng (73 đồng/kWh); chi phí khâu phân phối – bán lẻ là 20.409 tỷ đồng (216 đồng/kWh); chi phí khâu phụ trợ - quản lý ngành là 502 đồng/kWh (tương đương 5đồng/kWh). 

Trong khi đó, giá bán điện thương phẩm bình quân thực hiện năm 2011 lại chỉ là 1.226 đồng/kWk. Như vậy, bán mỗi kWh điện, EVN đã lỗ 56 đồng/kWh, đưa tổng số lỗ cả năm 2011 cho ngành kinh doanh chính của Tập đoàn này lên tới 5.297 tỷ đồng. 


So với năm 2010, số lỗ kinh doanh điện trên đã tăng thêm gần 3.000 tỷ đồng.

Tuy nhiên, với các khoản bù từ các hoạt động có liên quan khác như bán công suất phản kháng, lãi tiền gửi, lợi nhuận từ hoạt động đầu tư vào các công ty cổ phần phát điện, thu nhập từ thanh lý, nhượng bán tài sản cố định và vật tư thu hồi, từ hoạt động cho thuê cột điện, kết quả kinh doanh chung của EVN đã giảm lỗ còn 3.181 tỷ đồng.

Điều quan trọng khác rất đáng lưu tâm là hiện, EVN vẫn còn bị treo khoản lỗ 26.733,53 tỷ đồng tiền chênh lệch tỷ giá trong năm 2010-2011. Nếu cộng với chi phí tiếp nhận lưới điện hạ áp nông thôn, tổng số lỗ của EVN là xấp xỉ 30.000 tỷ đồng.

Giá điện chắc chắn tăng

Trước kết quả này, Thứ trưởng Bộ Công Thương, ông Lê Dương Quang khẳng định: “Giá điện chắc chắn tăng chứ không giảm!”.
Theo Thứ trưởng, mức giá điện hiện nay rất thấp. Chủ trương đưa giá điện tiệm cận theo cơ chế thị trường đã có từ năm 2008 nhưng thời gian qua, vì kinh tế khó khăn nên Chính phủ buộc phải kiềm giá điện, đặc biệt là năm 2011-2012. 

Xác nhận điều này, ông Đặng Huy Cường, Cục trưởng Cục Điều tiết Điện lực, cơ quan chủ trì việc thẩm định giá điện đã cho hay, Bộ Công thương đang cùng Bộ Tài chính rà soát kế hoạch điều chỉnh giá điện. Dự kiến, lộ trình giá điện năm 2013-2015 sẽ được trình Thủ tướng vào tháng 12. Nếu được Thủ tướng thông qua thì lộ trình này sẽ được công bố rộng rãi. 

Chia sẻ thông tin cụ thể hơn, ông Đinh Quang Tri, Phó Tổng Giám đốc EVN đã tiết lộ: “Năm 2012, nhờ vào điều kiện thủy văn tốt, thủy điện hoạt động hiệu quả nên EVN sẽ có lãi. Số lãi dự kiến là khoảng 3.500 – 4000 tỷ đồng nhưng sẽ được dùng để bù vào khoản lỗ năm trước. Tới năm 2013, EVN tiếp tục phấn đấu có lãi đề bù tiếp phần lỗ còn lại”.

Chính vì vậy, dự kiến năm 2012, EVN chỉ phân bổ vào giá thành những khoản đã đến hạn trả nợ mà chưa xử lý khoản chênh lệch tỷ giá . Nếu không, giá điện giá sẽ tăng vọt.

Lần đầu tiên được góp mặt trong tổ kiểm tra giá thành điện, ông Đỗ Gia Phan – Phó Chủ tịch Hội Tiêu chuẩn và Bảo vệ người tiêu dùng bày tỏ: “Năm 2013 chưa nên để giá điện theo cơ chế thị trường”.
Ông Phan cho biết: “Về mặt kỹ thuật, số liệu của EVN đưa ra đã được kiểm toán, chúng tôi không có ý kiến. Nhưng về giá thành, hiện nay đang bao gồm cả các chi phí liên quan đến chính sách của nhà nước như: cải tạo lưới điện nông thôn, bù giá cho vùng sâu vùng xa, bù mua điện giá cao của các nhà máy điện khí..., như vậy là không hợp lý”

“ Để sòng phẳng, nên tách riêng các khoản chi do chính sách của Nhà nước trong giá điện và bù bằng nguồn khác. Dừng cộng dồn tất cả vào giá điện để mọi người dân phải gánh. Năm 2013, Chính phủ sẽ điều tiết giá điện theo cơ chế thị trường nhưng hiện chưa có thị trường phân phối điện cạnh tranh, Nhà nước vẫn phải điều tiết sẽ hợp lý hơn”, ông Phan kiến nghị. 

Trước đó, theo kế hoạch sản xuất kinh doanh giai đoạn 2011-2015 của EVN được Thủ tướng phê duyệt, giá điện sẽ từng bước được nâng dần theo thị trường. Năm 2012 – 2013, EVN sẽ được phân bổ vào giá điện các khoản lỗ chênh lệch tỷ giá trong sản xuất kinh doanh điện chưa tính hết vào giá điện của các năm trước. 
Đặc biệt, kế hoạch này đã đặt mục tiêu, yêu cầu EVN phải có lãi trong giai đoạn này. 

Ông Đinh Quang Tri, Phó Tổng Giám đốc EVN cho biết, EVN đã đạt được thỏa thuận với PetroVietnam về việc trả các khoản nợ năm 2011. Theo đó, EVN được ‘khoanh’ nợ, chuyển từ nợ tiền điện sang nợ trả dần. Tuy nhiên, tiến độ trả nợ cho EVN sẽ phụ thuộc vào tình hình tài chính của EVN.

Dự kiến, EVN sẽ phát hành 9.000 tỷ đồng trái phiếu để trả nợ.


Tổ công tác kiểm tra giá thành sản xuất kinh doanh điện bao gồm đại diện Bộ Công thương, Bộ Tài chính, Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội, Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, Hội tiêu chuẩn và Bảo vệ người tiêu dùng. Việc kiểm tra được thực hiện trong 2 tháng 9- 10/2012 tại EVN và một số đơn vị thành viên dựa trên các báo cáo của EVN và kết quả kiểm toán do Công ty TNHH Deloitte Việt Nam kiểm toán độc lập. Bộ Công Thương cho biết, EVN chịu trách nhiệm về tính chính xác và trung thực của số liệu báo cáo này.
theo vietnamnet.vn

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét